Server – Máy chủ: Là một hệ thống máy tính được thiết kế để đáp ứng được thời gian hoạt động lâu dài và có khả năng chịu tải cao trước các yêu cầu truy xuất, cập nhật dữ liệu liên tục từ các máy tính khác nhau trên mạng. Các thành phần / component bên trong máy chủ thường là các phần cứng có độ tin cậy và hiệu suất cao hơn so với linh kiện của các máy tính PC phổ thông.
Các thành phần chính của máy chủ như bo mạch chủ – mainboard, CPU, RAM, storage (HDD, SSD) đều được thiết kế với các giao tiếp có tốc độ cao, có khả năng chống lỗi, chịu tải cao. Tất nhiên, bạn vẫn có thể dùng một máy tính PC thông thường và nâng cấp phần cứng để biến nó thành một máy chủ với chi phí rẻ hơn, nhưng khả năng đáp ứng truy cập và hiệu năng làm việc của nó không thể đạt được như một máy chủ chuyên dùng đã được thử nghiệm thực tế trong dây chuyền sản xuất của các hãng sản xuất máy chủ.
Bo mạch chính – Mainboard
Nếu như các mainboard của máy PC thông dụng chạy trên các dòng chipset cho PC hoặc mobile thì các mainboard máy chủ sử dụng các chipset chuyên dùng như C200 Series, C600 Series,… với khả năng hỗ trợ các giao tiếp tốc độ cao như RAM ECC, HDD SCSI – SAS, PCI Express, RAID, hay hỗ trợ gắn nhiều CPU, multi-core CPU,…
Bộ nhớ RAM
Là bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên, phục vụ trực tiếp cho các CPU trong quá trình xử lý. RAM máy chủ hiện nay có các loại DDR3, DDR4 có tốc độ bus từ 1333Mhz đến 2133Mhz thường kèm theo các tính năng như ECC (Error Corection Code) giúp máy không bị treo khi có bất kỳ 1 bit nào bị lỗi trong khi xử lý. Ngoài ra, RAM cho các mainboard thế hệ mới có thể hỗ trợ dạng Registered Memory (R-DIMM) giúp giảm tải cho các memory controller, thường được đòi hỏi trong các hệ thống phục vụ ảo hóa.
Thành phần lưu trữ: ổ cứng HDD, ổ cứng SSD
Ổ lưu trữ cho máy chủ hiện nay hoạt động trên hai loại giao tiếp chính là SATA (max 6Gb/s) và SAS (max 12Gb/s). Và được chia làm hai loại, HDD và SSD.
Ổ cứng HDD dành cho máy chủ có tốc độ vòng quay lớn (10.000RPM) hay một số ổ SAS mới còn vòng quay lên tới 15.000 RPM giúp tăng tốc tối đa tốc độ đọc/ghi dữ liệu.
Ổ cứng solid-state – SSD – là dạng lưu trữ trên bộ nhớ flash có chỉ số IOPS (chỉ số đo tốc độ đọc/ghi) rất cao nếu so với ổ cứng HDD cơ học, đặc biệt đối với các hoạt động đọc/ghi ngẫu nhiên. Ngoài ra, ổ SSD cũng cho tuổi thọ cao hơn nhiều do không có các thành phần cơ học.
Mạch điều khiển RAID (RAID Controller, RAID Card)
Đây là thành phần quan trọng trong một máy chủ hiện đại, mạch điều khiển này sẽ kết hợp các ổ cứng thành một thể thống nhất với những cơ chế sao lưu, chống lỗi giúp dữ liệu của bạn luôn được an toàn khi có các trục trặc vật lý xảy ra. Tùy theo loại card mà có khả năng hỗ trợ các mức RAID khác nhau. Thông thường RAID 1 và RAID 5 là 2 mức phổ biến trong hầu hết các máy chủ. Một số mainboard máy chủ có thể tích hợp chip điều khiển này nên bạn có thể không cần trang bị thêm.
Bộ cấp nguồn máy chủ (Power Supply Unit – PSU)
Bộ cấp nguồn đảm bảo nguồn điện đủ công suất cho các thành phần bên trong máy chủ hoạt động. Chính vì thế các dòng máy chủ chuyên dụng thường kèm theo những bộ nguồn công suất thực rất cao, có khả năng thay thế hay dự phòng khi bộ nguồn chính bị lỗi.
Những ứng dụng, dịch vụ thường được chạy trên máy chủ
Theo chức năng của máy chủ người ta phân ra các loại máy chủ: Web server, Database server, FTP server, SMTP server (email sever), DNS sever, DHCP server,… hoặc các nền tảng phục vụ ảo hóa (hypervisor) được cài lên máy chủ để quản lý các cụm ảo hóa (public cloud, private cloud), máy chủ ảo (VM), hay máy chủ chuyên dụng cho lưu trữ (software-defined storage),…
Theo phương pháp tạo ra máy chủ người ta phân thành hai loại:
- Máy chủ vật lý – bare-metal server, là máy chủ chạy trực tiếp trên nền phần cứng và các thành phần hỗ trợ riêng biệt gồm: HDD, CPU, RAM, card mạng,…
- Máy chủ ảo là dạng máy chủ được tạo ra bên trong các nền tảng ảo hóa (hypervisor). Chẳng hạn như VMWare vSphere, Microsoft Hyper-V, KVM,…
Các hãng sản xuất máy chủ nổi bật hiện nay có: Supermicro, Dell EMC, HP Enterprise – HPE, IBM Lenovo, Fujitsu,…